top of page
Blog: Blog2
Search
Writer's pictureHoàng Đinh

Viêm phế quản cấp cần chú ý những gì?

Viêm phế quản cấp tính bao gồm các triệu chứng ho có đờm và thỉnh thoảng có kèm nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hầu hết nhiễm trùng này có nguyên nhân ban đầu là do siêu vi (virus), đôi khi còn do vi khuẩn. Nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt thì niêm mạc đường hô hấp sẽ trở về bình thường sau khi hồi phục từ nhiễm trùng hô hấp kéo dài trong vài ngày.


Viêm phế quản (Viêm phế quản) là một bệnh lý của đường hô hấp trong đó niêm mạc của các phế quản trong phổi bị viêm. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, sẽ gây ra ho và có thể kèm theo đờm (đàm) đặc.

Bệnh diễn tiến theo 2 dạng: cấp tính (kéo dài ngắn hơn 6 tuần) và mạn tính (tái phát thường xuyên trong vòng hơn 2 năm). Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị hen phế quản (hen suyễn) thì niêm mạc phế quản cũng có thể bị viêm và gây nên tình trạng gọi là viêm phế quản dạng hen.

– Viêm phế quản cấp tính bao gồm các triệu chứng ho có đờm và thỉnh thoảng có kèm nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hầu hết nhiễm trùng này có nguyên nhân ban đầu là do siêu vi (virus), đôi khi còn do vi khuẩn. Nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng sức khỏe tốt thì niêm mạc đường hô hấp sẽ trở về bình thường sau khi hồi phục từ nhiễm trùng hô hấp kéo dài trong vài ngày.

– Viêm phế quản mạn tính là bệnh diễn tiến nặng và kéo dài, thường phải được điều trị đều đặn.

Nếu bạn là người hút thuốc và mắc Viêm phế quản cấp tính thì cơ thể bạn sẽ khó hồi phục hơn. Thậm chí nếu một người chỉ hít một hơi ngắn thuốc lá cũng đủ làm liệt tạm thời những lông mao có tác dụng đẩy những chất kích thích, bụi và những chất đờm nhầy trong đường hô hấp ra bên ngoài.

Nếu bạn vẫn tiếp tục hút thuốc, có nghĩa là những lông mao này tiếp tục bị tổn thương và không thể thực hiện đúng nhiệm vụ của chúng nữa, và do đó làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh Viêm phế quản mạn tính. Ở những người nghiện hút thuốc nặng, hàng loạt lông mao sẽ bị mất chức năng. Phổi bị tắt nghẽn do nhiều đờm nhớt sẽ dễ bị nhiễm siêu vi và nhiễm khuẩn, theo thời gian sẽ gây biến dạng và tổn thương vĩnh viễn đường hô hấp trong phổi. Hiện tượng tổn thương vĩnh viễn này còn được gọi là Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành một thử nghiệm để đánh giá chức năng hô hấp được gọi là phế dung kế.

Viêm phế quản cấp tính thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh này có thể được điều trị hiệu quả mà không cần phải tiến hành chăm sóc y tế đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được đưa đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị khi có các triệu chứng nặng nề, kéo dài, hoặc bệnh nhân bị ho ra máu. Nếu bệnh nhân bị Viêm phế quản mạn tính thì sẽ có nguy cơ khởi phát các bệnh lý về tim mạch cũng như những bệnh lý nặng nề về hô hấp và nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Các nguyên nhân gây nên bệnh viêm phế quản?

– Viêm phế quản cấp tính: Thường do viêm nhiễm ở phổi, 90% bắt nguồn từ siêu vi (virus), 10% từ vi khuẩn.

– Viêm phế quản mạn tính: Thường do một hoặc nhiều yếu tố. Nhiều đợt Viêm phế quản cấp lặp đi lặp lại theo thời gian sẽ làm suy yếu và gây kích thích ở phế quản, và có thể gây nên Viêm phế quản mạn tính. Ô nhiễm công nghiệp cũng là một thủ phạm. Viêm phế quản mạn tính thường gặp ở những người khai thác than, tiếp xúc thường xuyên với ngũ cốc, làm khuôn đúc kim loại, tiếp xúc liên tục với bụi. Nhưng nguyên nhân chính là nghiện thuốc lá nặng trong thời gian dài mà có thể làm kích thích phế quản và khiến chúng tiết ra quá nhiều chất đờm nhầy. Các triệu chứng của Viêm phế quản mạn tính có thể bị nặng hơn nếu trong không khí có nhiều SO2 hay các chất ô nhiễm khác.

Các triệu chứng của Viêm phế quản là gì?

– Các triệu chứng có thể gặp trong Viêm phế quản cấp tính là:

Ho liên tục

Có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây, thường xuất hiện từ 24 – 48 giờ sau khi ho

Sốt cao, lạnh run

Đau hay cảm giác thắt ngực

Đau dưới xương ức khi thở

Thở ngắn

– Các triệu chứng có thể gặp trong Viêm phế quản mạn tính là:

Ho kéo dài có đờm màu vàng, trắng hoặc xanh lá cây (kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và liên tục trong hơn 2 năm)

Hơi thở khò khè, đôi khi ngừng thở

Các dấu hiệu nặng của Viêm phế quản cần được phát hiện sớm để đưa bệnh nhân đến bác sĩ ?

Cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu sau:

– Ho nhiều, kéo dài và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc các sinh hoạt hàng ngày, hoặc có kèm đau ngực dai dẳng. Có thể bệnh nhân đang bị tổn thương các phế nang bên trong phổi.

– Các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần, và đờm trở nên nhiều hơn, sậm màu hơn, đặc hơn hoặc có máu

– Bệnh nhân bị Viêm phế quản cấp tính mà có kèm các vấn đề về tim phổi mạn tính, hoặc bị nhiễm virus HIV, nhiễm trùng hô hấp… mà có thể làm cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý ở phổi nặng hơn như viêm phổi.

– Khó thở. Đây là triệu chứng thường bị hiểu lầm là do Viêm phế quản. Nhưng nó còn là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, khí phế thủng, lao phổi, bệnh tim, phản ứng dị ứng nặng hoặc do ung thư.

Điều trị bệnh Viêm phế quản như thế nào?

– Điều trị thông thường cho Viêm phế quản cấp tính bao gồm nghĩ ngơi, uống nhiều nước, ngưng hút thuốc, tránh bị xúc động, có thể sử dụng các thuốc hít để làm dãn phế quản và có thể kèm thuốc ho.

– Đối với trường hợp Viêm phế quản mạn tính nặng thì sử dụng thuốc nhóm steroid đường hít hoặc uống để làm giảm viêm và có thể cho bệnh nhân thở oxy khi cần thiết.

Ở những người khỏe mạnh có phổi bình thường và không mắc bệnh mạn tính thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết, thậm chí cả khi bị nhiễm khuẩn. Ho có đờm trong Viêm phế quản cấp tính trong hầu hết các trường hợp là một phản xạ tốt. Nó giúp tống đờm được sản sinh ra quá nhiều trong đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ho thật sự gây cản trở bệnh nhân khi ngủ hoặc gây đau thì bác sĩ có thể cho thêm thuốc ho. Nhưng trong đa số các trường hợp, bệnh nhân chỉ cần làm giống như điều trị một bệnh cảm cúm thông thường là uống acetaminophen, uống nhiều nước và không điều trị nhiễm trùng.

Trong trường hợp Viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân thường dễ bị nhiễm trùng. Nếu bác sĩ không ngăn cản thì bệnh nhân nên được tiêm ngừa cúm và viêm phổi hàng năm.Vắc-xin ngừa viêm phổi thường là một mũi duy nhất. Một mũi vắc-xin sẽ giúp bảo vệ bệnh nhân khỏi các chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến.

Không nên tự ý mua thuốc ho ngoài quầy thuốc tây để điều trị Viêm phế quản mạn tính trừ khi đã được bác sĩ hướng dẫn. Cũng giống như đối với Viêm phế quản cấp tính, ho có đờm trong Viêm phế quản mạn tính cũng là điều có lợi vì giúp tống bớt những chất đờm trong đường hô hấp ra bên ngoài.

4 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page